jeudi 7 décembre 2017

Nguyễn Anh Tuấn - BOT Cai Lậy : Lợi thế có đang thuộc về các tài xế ?



Trả tiền mệnh giá lớn tại BOT Cai Lậy.

Trước hết tôi rất khâm phục những gì các tài xế đã thể hiện trong những ngày qua. Từ lý lẽ đến hành xử, từ mục tiêu đến phương pháp, đều rất mẫu mực. Nhìn những gì xuất hiện trên truyền thông dễ có cảm giác là ngày chiến thắng của các bác tài đã gần kề khi BOT Cai Lậy đã phải liên tục xả trạm trước những chiến thuật biến hóa khôn lường. 

Tuy nhiên, tôi lại có một nhận định ngược lại, rằng lợi thế đang không thuộc về các tài xế.


Tôi cũng hy vọng mình nhận định sai nhưng cũng xin đưa ra những căn cứ dưới đây để mọi người cùng đánh giá.

Một là sự kiên quyết của cấp cao nhất chính phủ. Ba ngày trước Thủ tướng đã chỉ đạo không để tái diễn tình trạng ở Cai Lậy, và rồi hôm nay Bộ Công an cũng đã chính thức tuyên bố sẽ “tổ chức trinh sát điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ các đối tượng cầm đầu, có hành vi kích động xúi giục tại đây.” 

Không quá khó hiểu cho động thái quyết liệt này khi mà báo chí đã chỉ ra Cai Lậy không phải là BOT duy nhất “đặt nhầm chỗ”, mà còn có 7 trạm khác trên khắp cả nước. Buông Cai Lậy, số phận các trạm khác sẽ đi về đâu? Đó là chưa nói đến trong nhãn quan của người nắm quyền, buông Cai Lậy sẽ giúp người dân bắt đầu tự tin về sức mạnh của họ, cũng như dần hiểu ra cách thức để tạo ra sức mạnh đó. Chiến thắng luôn truyền cảm hứng, mà một thứ cảm hứng về sức mạnh nhân dân thì lại không dễ kiểm soát một chút nào. Vậy thì, đứng trước “những biện pháp nghiệp vụ” của Bộ Công an, các tài xế, đặc biệt là những người chủ chốt, đã chuẩn bị những gì?

Căn cứ thứ hai liên quan tới câu hỏi quan trọng bậc nhất trong những cuộc so găng kiểu này: “Thời gian đang đứng về bên nào?” Đồng ý rằng những hình ảnh trên truyền thông qua những ngày qua đã làm nức lòng dư luận cả nước. Nhưng có vẻ truyền thông và sự chú ý của dư luận là tất cả những gì các bác tài có trong cuộc chiến này. 

Tuy nhiên, chỉ mới là ba ngày, sẽ ra sao nếu cuộc giằng co “xả rồi thu - thu rồi xả” này kéo dài một tháng, ba tháng rồi sáu tháng. Truyền thông và dư luận liệu có còn giữ nguyên mức độ chú ý? Cần lưu ý rằng BOT Cai Lậy có đến 13 năm để thu phí, sẽ ra sao nếu họ chấp nhận sáu tháng không màng lợi nhuận chơi lầy với các bác tài? Bên nào thiệt hại nhiều hơn và bên nào sẽ bỏ cuộc trước? 

Hãy nhìn những gì xảy ra ở Hong Kong trong phong trào Dù Vàng, hàng chục ngàn sinh viên ngay cả khi đã chiếm được các khu phố thương mại nhiều tháng trời nhưng một khi không đạt được mục tiêu thì đã bị phản ứng, bắt đầu là từ cộng đồng doanh nhân, sau đó là các thành phần khác trong xã hội. 

Thời gian càng kéo dài mà không đạt được mục đích dời trạm thì liệu sự ủng hộ của công chúng có còn được giữ nguyên như lúc này? Hay thay vào đó là cảm giác mệt mỏi? Những người lái xe không trong nhóm tranh đấu đã chấp nhận phiền toái thời gian vừa qua vì công cuộc chung, nhưng nếu thời gian giằng co quá lâu liệu họ có còn kiên nhẫn? Sẽ ra sao nếu có thêm phản ứng gay gắt từ những xe có công việc gấp phải đi, như cấp cứu, đám tang…?

[Nếu thấy những phân tích trên không đúng thực tế, bạn không cần phải đọc thêm. Còn nếu nghe có lý, mời bạn đọc tiếp bên dưới.]

Nếu quả thật lợi thế đang không thuộc về phe tài xế vì thời gian không đứng về phía họ, thì câu hỏi là họ có thể làm gì để đảo ngược tình hình? 

Điều đầu tiên cần làm là thay đổi cách nhìn về chính đối thủ của họ: BOT Cai Lậy. 

Nếu ví trạm BOT này như một cỗ máy thu tiền thì sẽ có ít nhất hai cách khiến nó ngưng hoạt động: Một là nhắm thẳng trực tiếp vào cỗ máy để quấy nhiễu, tức tấn công trực diện; hai là tìm hiểu xem cỗ máy này đang được vận hành dựa trên những nguồn hỗ trợ nào để cắt đứt những nguồn này tức là tấn công gián tiếp. Toàn bộ những hoạt động của phe tài xế đến giờ phút này tập trung vào cách thứ nhất, không có hoặc có rất ít hành động thuộc cách thứ hai. 

Với cách thứ nhất, một khi cỗ máy vẫn được cung ứng đầy đủ các nguồn lực để vận hành, nó sẽ tiếp tục đối phó giằng co với các tài xế. Thời gian, do đó, đứng về phía cỗ máy. Càng lâu tài xế càng mệt mỏi, chưa kể cùng lúc đó họ còn bị tấn công bởi các lực lượng khác. 

Với cách thứ hai, bởi lẽ mất sạch các nguồn hỗ trợ cho việc vận hành, cỗ máy không còn cách nào khác ngoài phải chấm dứt hoạt động. Càng để lâu càng thiệt hại, vậy nên thời gian đứng về phía phe tài xế. 

Thế nhưng thực hiện cách thứ hai như thế nào? - Đầu tiên phải bằng việc phân tích các nguồn lực hỗ trợ cho BOT Cai Lậy.

Thứ nhất là nguồn lực tài chính. Ngân hàng BIDV cấp 85% vốn cho dự án BOT Cai Lậy. Điều này có nghĩa là họ chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư trên lưng những người lái xe. Bởi vậy họ không thể vô can, họ phải chịu trách nhiệm theo cách này hoặc cách khác. Không ai có sức mạnh hơn những người gửi tiền ở BIDV trong việc yêu cầu ngân hàng này ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy (bằng không sẽ rút tiền hàng loạt). Khách hàng của BIDV còn có trách nhiệm đạo đức phải làm điều này nếu không muốn bị coi là vô tình tiếp tay cho BIDV. 

Những người lãnh đạo của BIDV như Trần Anh Tuấn (Quyền Chủ tịch) và Phan Đức Tú (Tổng Giám đốc) đều là những người địa vị cao, quan hệ rộng ở Hà Nội nên chắc chắn sẽ không muốn xuất hiện trong mắt bạn bè, người thân, đối tác như những kẻ đang sống giàu sang trên những đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người lái xe kham khổ miền Tây. Một chiến dịch truyền thông sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa việc ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy hoặc là chuốc lấy hậu quả cho thanh danh bản thân mình. 

Ông chủ thực sự của BOT Cai Lậy, tương tự, là đối tượng thứ hai không thể bỏ qua. Người đàn ông tên Lê Tiến Thắng, Chủ tịch công ty Bắc Ái trụ sở tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có vẻ vẫn đang ung dung ngồi thu tiền từ khoảng cách 2000 cây số tính từ BOT Cai Lậy. Phải có một chiến dịch truyền thông để ông ta không còn vẻ ung dung đó nữa. Người thân, bạn bè, đối tác của ông ta cần nhận ra sự giàu có của ông ta chẳng có gì tốt đẹp và đáng tự hào vì nó đến từ những đồng tiền còm cõi của những người lái xe - lẽ ra được dùng để đỡ đần thêm cuộc sống cho vợ con, thêm thịt cá cho bữa ăn, thêm sách vở để đến trường.

Nguồn lực thứ ba là các dịch vụ hậu cần. Các công ty xe cẩu, công ty bảo vệ, công ty cung ứng nhân viên thu phí ở Tiền Giang và các tỉnh lân cận đều cần nhận được thông điệp chính thức từ phe tài xế giải thích vì sao không nên cung cấp dịch vụ cho BOT Cai Lậy. Chỉ cần một thư ngỏ có lý có tình và một kế hoạch truyền thông khéo léo sẽ khiến chẳng có công ty bảo vệ hay xe cẩu nào “tham bát bỏ mâm” bám lấy BOT Cai Lậy để rồi bị không chỉ hàng ngàn tài xế mà cả một cộng đồng quốc gia quay lưng tẩy chay. 

Tương tự vậy, nếu phe tài xế tìm ra được những mạnh thường quân đồng ý tiếp nhận các nhân viên bán vé sau khi họ nghỉ việc ở Cai Lậy, cũng như kêu gọi những người khác không ứng tuyển vào các vị trí này để tiếp tay BOT Cai Lậy thì sẽ là một thách thức không nhỏ cho trạm này.

Thử hình dung cỗ máy BOT Cai Lậy, một khi không còn nhận được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, không tìm đâu ra một công ty bảo vệ/công ty xe cẩu nào chịu ký hợp đồng, cũng không ai ứng tuyển vào các vị trí bán vé thu phí, thì không lẽ ông chủ Lê Tiến Thắng phải đứng ra giữa đường Cai Lậy vừa bán vé, vừa gác an ninh? Hoặc, một khi bị các ngân hàng xa lánh, ông Thắng sẽ phải tiếp tục công việc làm ăn của mình thế nào trong tương lai? 

Điểm sơ qua có thể thấy khối lượng công việc không hề ít, song tôi tin là với những gì đã thể hiện, phe tài xế thừa năng lực để làm tất cả những việc trên. Dĩ nhiên sự ủng hộ của công chúng là tối quan trọng, và rất may mắn, đây là thứ mà phe tài xế đang có thừa. 

PS: Một lần nữa tôi vẫn mong mình nhận định sai và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo tinh thần chính phủ kiến tạo mà ông thường tuyên bố, sẽ có quyết định hợp lòng dân - như báo Tuổi Trẻ đề xuất - là dời trạm về đường tránh. Nhưng nếu kịch bản đó không xảy ra thì có thể các bác tài nên chuẩn bị dần cũng không thừa.

FB NGUYỄN ANH TUẤN  04.12.2017

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.