vendredi 6 octobre 2017

Bùi Quang Vơm - Hội nghị TW6, sự thất bại của Nhất thể hóa



Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hội nghị TW6, một hội nghị vốn chứa đựng rất nhiều kịch tính và được dự báo rất nhiều bất ngờ, đã khai mạc ngày 04/10/2017, sớm hơn dự đoán hai tuần lễ. Như một cuộc phục kích, nhưng nội dung nhạt nhẽo, vừa giáo điều vừa mâu thuẫn.

Kiểm điểm tình hình kinh tế và công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trở thành hai nội dung chính.

Chủ trương Nhất thể hóa bị bỏ ra ngoài chương trình nghị sự và được rút lại thành «tinh giản biên chế», một loại quyết tâm được lặp đi lặp lại từ thời bao cấp.

Có điều gì bất thường đã xảy ra?

Quyết tâm của Đại hội XII thực chất chỉ gói gọn trong hai nội dung chính: Thị trường hóa nền kinh tế có sự kiểm soát của đảng; và cải cách tổ chức để tăng cường sự lãnh đạo của đảng - được tóm gọn thành hai mục tiêu: tăng trưởng kinh tế và giữ vững chế độ. Thực chất chỉ là một chủ trương duy nhất là duy trì chế độ độc đảng cộng sản cầm quyền. Tăng trưởng kinh tế chỉ là một điều kiện không thể tách rời. Tăng trưởng để giải tỏa nhu cầu sinh tồn, pha loãng bức xúc có nguy cơ chính trị hóa, chĩa mũi nhọn vào thể chế chính trị. Tăng trưởng để tìm kiếm chính danh độc quyền lãnh đạo, che đậy bộ mặt phi dân chủ, vi phạm nhân quyền của chế độ.

Vì thế, tăng trưởng và mị dân, giả dân chủ là hai thủ đoạn chính trị cơ bản có tính chiến lược.

Nếu nội dung «kiểm điểm tình hình kinh tế», một loại sinh hoạt có tính quy luật, mà ông Trọng nói là hoạt động « thường kỳ hằng năm tại các hội nghị cuối năm », thì có thể hiểu, trọng tâm kỳ họp lần này là «công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân».

Người ta thấy ngay cái giả tạo, vừa mị dân, vừa thể hiện sự lúng túng, bị động của Bộ Chính trị trong việc quyết định các nội dung thảo luận của Hội nghị TW vào quý III của một năm.

Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cuả nhân dân rõ ràng phải được đảm bảo từ các đầu tư chủ yếu từ ngân sách. Nhưng từ hai năm nay, ngân sách Trung ương thiếu hụt, ngân sách địa phương không còn.

Báo VnExpress ngày 12/06 cho biết: Giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách năm 2015, ngày 12/6/2017, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận những tồn tại trong điều hành ngân sách hiện nay như: chi thường xuyên cao, nợ công, bội chi "ngấp nghé" vượt trần..."Bội chi ngân sách đảm bảo trong số tuyệt đối, nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên xét về tương đối thì bội chi, nợ công tăng nhanh".
Ông Bộ trưởng cho rằng «trong bối cảnh này, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi; đẩy mạnh khoán chi thường xuyên và sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế. Thế nhưng, thực tế, dù ngành tài chính cố gắng siết, giảm chi, nhưng bộ máy biên chế cứ "phình" ra thì không ngân sách nào cơ cấu lại được».

«Bây giờ cắt gì thì cắt, nhưng biên chế cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được», ông Dũng nói.
Ngay từ tháng 10/2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói: “Những con số nghe rất vui, nhưng bản chất số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái. Các địa phương không có tiền, tăng chỉ mang tính nghiệp vụ thôi”...“Cả nước ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỉ đồng. Với mức này không biết để làm cái gì, chưa nói để trả nợ với các thứ. Cho nên gần như không có tiền để làm gì cả”.

Chiều 06/01/2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau chín tháng điều hành chính phủ đã phải kêu lên:“Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần chứ không phải sát trần” nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch gay gắt: «Chúng ta phải mạnh dạn, xem xét lại toàn bộ cách chi tiêu hiện nay. Tôi đề nghị cắt hết các khoản: tiếp khách, nghiên cứu, sơ kết, kỷ niệm ngành, đi nước ngoài…»

Giữa lúc tình trạng ngân sách như vậy mà đem việc «bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân» ra bàn, thì chỉ là chuyện vui giữa «những người thích đùa», chuyện bôi bác chế độ hoặc là chuyện của những kẻ vô công rồi nghề.

Trong khi đó, theo kế hoạch định trước, mục tiêu trọng tâm của Hội nghị TW6 lần này là vấn đề Nhất thể hóa, laị bị bỏ ra ngoài.

Nhất thể hóa, cụ thể là nhất thể hóa các chức danh thuộc hệ thống đảng chuyên trách với các chức danh tương ứng bên chính phủ là vấn đề được đặt ra từ rất lâu. Chương trình thí điểm nhất thể hóa tới cấp tỉnh đã được thực hiện tại Quảng Ninh từ sau Đại hội XI, năm 2011.

Vấn đề Nhà nước song trùng và sự khập khiễng giữa cơ cấu của thể chế độc đảng với cơ cấu tương ứng theo thông lệ quốc tế gây trở ngại cho các hoạt động đối ngoại trước nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nhà nước Việt Nam, bộc lộ tính bất hợp lý và thử thách tính chính danh của đảng cộng sản cầm quyền. Sự vênh lệch này đã tới đỉnh điểm khi công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Hoa Kỳ của chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 phải cần hơn một năm và một chuyến đi tập trước của ông bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Phạm Minh Chính, nguyên bí thư đảng ủy Tỉnh Quảng Ninh, nơi đi đầu cả nước về chương trình thí điểm Nhất thể hóa, được đưa vào Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Ngày 4/9/2016, ông Nhị Lê, phó tổng biên tập Tạp chí cộng sản, một người được biết là «rất gần gũi» với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc trả lời phỏng vấn rất dài, sâu về đề tài Nhất thể hóa, trong đó ông khẳng định, «từ nhất thể hóa các chức danh sang nhất nguyên hóa thể chế là một tất yếu cho công việc cải cách tổ chức đảng».

Mười tháng trước, vào ngày 28/11/2016, để chuẩn bị báo cáo TW6, Ban Bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" do ông Phạm Minh Chính trực tiếp trưởng ban. Đây thực chất là Dự án Nhất thể hóa.

Ngày 27/3/2017, đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016, đã có chuyến kiểm tra, khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định: «Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh đảm bảo vai trò lãnh đạo của đảng, thực hiện nghiêm quy chế, cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật kỷ cương».

Ngày 27/07/2017, tại kỳ họp thứ ba Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Phạm Minh Chính đã kết luận: « Trong những ngày qua, Ban chỉ đạo Đề án "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã tổ chức Hội thảo tại hai miền Nam - Bắc để lấy ý kiến đóng góp của các bí thư tỉnh ủy, thành ủy và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo Đề án» «...đánh giá thực trạng nhận thức về phương thức lãnh đạo của Đảng, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng như những hạn chế, yếu kém trong thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của nước ta hiện nay; làm rõ thêm về lộ trình, các bước thực hiện để vừa bảo đảm sự đồng bộ của thể chế kinh tế với thể chế chính trị, giữa giữ vững ổn định chính trị - kinh tế - xã hội với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong những năm tới».

Như vậy, việc chuẩn bị cho một lộ trình «từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên thể chế» đã được đảng chuẩn bị công phu và tổ chức thực hiện hết sức bài bản. Nhưng Đề án từ chỗ là báo cáo chính, đã không được sắp đặt vào nội dung trọng tâm, mà bị đưa xuống vị trí thứ tư và chỉ còn là việc «tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả» và cuối cùng chỉ là việc «tinh giản biên chế», một công việc vốn được đảng quyết tâm từ hơn ba chục năm nay, ngay từ thời bao cấp, nhưng cứ mỗi lần «quyết tâm» thì bộ máy lại «phình ra to hơn».

Có nghĩa là Hội nghị TW6 vừa khai mạc đã thất bại, hay đúng hơn là chương trình cải tổ, sắp xếp lại tổ chức đảng đã thất bại.

Mới chỉ khới lên vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, thực chất mới chỉ là một vụ PVN, đã có một tử hình, một chung thân và hàng trăm tội phạm mang thẻ đảng từ trung đến cao cấp, chuyện ông Đinh La Thăng phải ra khỏi đảng và phải vào tù chỉ là chuyện chưa nói ra.

Nếu cả 12 vụ đại án nằm trong chương trình phải xử hết trong năm nay, thì sẽ có bao nhiêu cán bộ đảng nữa phải vào tù? Cứ bắt xử vụ này thì lòi ra vụ khác, cứ bắt người này thì lòi ra người kia, như phản ứng dây chuyền, vì không có vụ việc nào có thể thực hành độc lập, không con người nào có thể một mình «tác chiến», không có phi vụ nào có thể ăn lẻ một mình. Không có kẻ nào dính việc mà từ chối khoản ăn chia.

Ông Trọng, nếu sự thật định bứng «cả cụm», liệu có giám làm không? Nếu «tất cả mọi tập đoàn, mọi doanh nghiệp đều phải chi» «đã thành lệ từ hàng chục năm nay, từ cấp cơ sở tới cao cấp» như lời khai của tử tù Nguyễn Xuân Sơn, thì trong hệ thống hiện nay, có kẻ nào thoát tội, có kẻ nào tay không nhúng chàm. Vì xét cho cùng, dù dưới hình thức nào, các loại tiền đó đều là tiền bẩn, tiền ăn cắp của dân, của nước, và người nhận, không có kẻ nào không biết. Xung quanh ông sẽ không còn ai, thậm chí cả chính ông. Nếu đánh đến cùng, đảng của ông sẽ không còn lấy một người. Đó là lỗi hệ thống, lỗi thể chế, không phải lỗi đạo đức hay «diễn biến».

Cho nên việc cải tổ theo phương thức Nhất thể hóa trở thành vô duyên. Nếu nhất thể hóa chỉ là cớ để thanh lọc, để giãn mỏng và chiếm chỗ, thì ông Trọng và ngay cả Bộ chính trị đang chứng kiến nguy cơ không còn cán bộ, một nhà nước trống hoác  hoặc chỉ còn những kẻ ăn hại.

Nhưng Dự án Nhất thể hóa bị thất bại có nguyên nhân từ sự bất cập của hiệu lực kiểm soát quyền lực. Giải pháp đạo đức của ông Trọng mang tính dị đoan và giáo điều, không đủ sức thuyết phục. Việc tập trung quyền lực vào một người duy nhất, trong khi hệ thống pháp luật vừa thấp kém vừa không độc lập, thì không ai có thể biết tình trạng tham nhũng và tha hóa của hệ thống còn trầm trọng đến đâu.

Nhất thể hóa cả quyền đảng lẫn chính quyền, đưa một ông bí thư tỉnh kiêm luôn chức chủ tịch tỉnh, trong khi Tòa án và Cảnh sát đều dưới quyền điều khiển của ông ta, thì chả mấy lúc tài sản cả tỉnh thành tài sản của riêng gia đình ông ta. Chưa nhất thể hóa, tiền nhà nước còn biến đi hàng trăm nghìn tỉ đồng cho một vài ông có quyền có chức, như những vụ án đang xử. Nếu nhất thể, cho quyền ông bí thư một mình tác oai nữa thì mất cả tỉnh. Ở cấp trung ương, nếu nhất thể Tổng bí thư với Chủ tịch nước, thì vơí điều 4 Hiến pháp, với quy định đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, thì không có gì có thể cản được ông ta trở thành nhà độc tài và trùm tham nhũng.

Cho nên trước khi nhất thể hóa giữa đảng và chính quyền, việc đầu tiên là phải tách hệ thống tư pháp và hệ thống hành pháp ra khỏi hệ thống lập pháp, không thể «phân công nhưng thống nhất về mặt chính trị», một thứ «vải thưa» dùng để che mắt thiên hạ.

Nhất thể hóa như thế nào?

Thất bại của Hội nghị TW6, hay thất bại của chủ trương nhất thể hóa thể chế là đương nhiên. Nguyên nhân là cơ chế đảng độc quyền lãnh đạo, đảng đứng ngoài và đứng trên luật pháp. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là điều 4 Hiến pháp.

Trong một chế độ dân chủ đích thực, không phải là chế độ dân chủ giả hiệu như hiện nay, quyền lực tuyệt đối thuộc về ý chí và nguyện vọng của dân và quyền đó được bảo đảm bất khả xâm phạm bởi một hệ thống tư pháp (bao gồm Tòa án và Cảnh sát) độc lập, phi chính trị, trung lập và không có tính đảng.

Các ông chủ tịch cơ sở như xã, huyện do dân bầu trực tiếp. Người trúng chủ tịch, đương nhiên và tự động là bí thư đảng cùng cấp, bởi vì nếu bầu cử là trong sáng, thì chính họ là người uy tín nhất có quyền lực nhất đối với dân. Nếu trong đảng bầu ra người khác, hoặc phân công người khác, là trong đảng có «vấn đề».

Từ cấp tỉnh tới Trung ương, người dân trực tiếp bầu ra Hội đồng nhân dân và bầu ra Quốc hội (đương nhiên là nếu dân trực tiếp bầu Chủ tịch ở cả cấp này thì càng tốt). Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch tỉnh, Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước. Chủ tịch tỉnh và Chủ tịch nước đương nhiên và tự động là Bí thư Tỉnh và Tổng bí thư đảng. Nếu Chủ tịch nước do dân bầu trực tiếp, thì Đại hội Đảng không phải bầu Tổng bí thư, hay có thể thay Quốc dân Đại hội chính là Đại hội Đảng.

Tất cả mọi kết cấu dân cử đều tự động là kết cấu tương ứng của đảng. Cấp cao nhất trong chính quyền do dân trực tiếp hay gián tiếp bầu đều đương nhiên là cấp cao nhất tương ứng trong đảng. Các kết cấu khác trong bộ máy chính quyền do nội bộ đảng phân công. Việc Nhất thể hóa trở nên đơn giản và tự động.

Như vậy, việc giải thóat tình trạng «nhiều tầng nấc, kém hiệu lực và kém hiệu quả của sự lãnh đạo của đảng» thông qua con đường nhất thể hóa, để đảng cầm nắm trực tiếp quyền lãnh đạo chính quyền, tức là trực tiếp nắm quyền hành pháp là việc vi hiến. Đã nắm quyền lập pháp, lại trực tiếp nắm quyền hành pháp, thì tư pháp tự nhiên bị vô hiệu hóa. Không còn gì để kiểm soát và chế tài quyền lực. Lồng quyền lực bằng đạo đức do Tổng bí thư vừa sáng tác chỉ còn là tranh vẽ.

Vì vậy mà quyền lực buộc phải chia nhỏ, và trách nhiệm phải trở thành tập thể. Không ai được phép quyết một mình, đương nhiên là cũng không ai có thể bị buộc chịu trách nhiệm cá nhân. Bộ Chính trị 19 người là sản phẩm tất yếu của chế độ vua tập thể. Nhất thể hóa là không thể.

Ông Trọng và Bộ Chính trị có thể đã lao tâm khổ tứ, nhưng vô ích. Đây là bài toán vòng, một loại phương trình vô định, không có nghiệm. Ông đã cố gắng chạy, cắm đầu chạy, nhưng như một con chuột chạy trong lồng xoay, chạy mãi, thực chất vẫn đứng nguyên tại chỗ. Cái lồng đó là thể chế độc đảng. Ông không thể ra ngoài để biết rằng ông vẫn chạy tại chỗ. Việc đơn giản với những người đứng ngoài lại là việc không thể với những người thông thái ở bên trong.

Hội nghị TW6 với ý định làm một cuộc cách mạng mà có lẽ ông Trọng âm thầm thai nghén từ rất lâu đã thất bại.

Những ước mơ mà ông Tập thèm khát thấy ảnh của mình bên cạnh ảnh của Mao, cũng từng giống như ước mơ của Đặng Tiểu Bình, của Giang Trạch Dân, là một thứ bệnh phổ biến, dễ lây khi đã nhiễm máu cộng sản trong người. Nhưng cũng như Tôn Ngộ Không, bay đi đâu vẫn trong lòng tay Phật tổ. Ngoài vòng tay ấy mới là vũ trụ bao la.

BÙI QUANG VƠM 06/10/2017 (Tác giả gởi blog Thụy My)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.